Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

hồ, đầm, đập

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 03 đầm nước tự nhiên là Nước Mặn, An Khê, Lâm Bình.

Đầm nước mặnĐầm Nước Mặn
Thuộc địa phận xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ), có tổng diện tích khoảng 150ha. Đây là khu vực đầm phá kiểu vịnh kín, thông ra biển tại cửa Sa Huỳnh. Là đầm nước luôn có độ mặn khá cao cả về mùa khô và mùa mưa, vì vậy có tên là đầm Nước Mặn. Với đầm này chỉ có thể nuôi trồng thủy sản nước mặn và làm muối. Vì thế, từ lâu nhân dân ở đây đã khai thác một phần diện tích của đầm để làm muối.

Đầm An Khê
Thuộc địa phận xã Phổ Khánh (huyện Đức Phổ). Theo báo cáo khoa học điều tra nhiễm mặn vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi, do đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ thực hiện năm 1998 cho thấy vào mùa mưa nước trong đầm có độ mặn không đáng kể, nhưng về mùa khô là một đầm nước lợ, độ mặn từ 0,3- 10‰.

Đầm Lâm Bình
Thuộc địa phận xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ), có độ mặn thấp, thường dao động từ 0,2- 0,3‰; về mùa khô, những tháng nắng hạn nhất đầm bị cạn nước hoàn toàn.

Theo tài liệu quy hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản năm 2002, đầm An Khê và đầm Lâm Bình có tổng diện tích 300ha, có thể sử dụng cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn và cải thiện môi trường trên địa bàn.


HỒ

Ở Quảng Ngãi hầu như không có hồ nước tự nhiên nào đáng kể, chỉ có những hồ nước được đào đắp phục vụ cho thủy điện, thủy lợi như:

Hồ An Phong
Được xây dựng từ năm 1984 tại xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn năng lực thiết kế tưới cho 320ha, năng lực tưới thực tế là 120ha.

Hồ Tôn Dung
Được xây dựng năm 1978 trên nhánh suối nhỏ thượng lưu sông Liên, thuộc địa phận thị trấn Ba Tơ. Hồ có diện tích lưu vực 20km2, với diện tích tưới thiết kế là 150ha. Những năm trước, do kênh mương chưa hoàn chỉnh nên chỉ tưới được khoảng 30ha; năm 2001- 2002, đã xây dựng hoàn chỉnh tuyến kênh, mương, đảm bảo nước tưới đủ diện tích thiết kế.



Suối Chí, Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành


Hồ Suối Chí
Được xây dựng trên suối Chí, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành vào năm 2002. Năng lực tưới theo thiết kế là 250ha.


Hồ chứa nước Sở Hầu
            Xây dựng năm 1976 tại xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ. Năng lực tưới theo thiết kế là 400ha.


Hồ chứa nước Núi Ngang
Xây dựng vào năm 2000 tại xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, có năng lực tưới theo thiết kế là 1.450ha.

Hồ chứa nước Liệt Sơn 
Hồ chứa nước Liệt Sơn
Xây dựng năm 1977 trên sông Lò Bó, xã Phổ Hoà, huyện Đức Phổ tại vị trí có diện tích lưu vực 36,8km2. Năng lực tưới thiết kế là 2.500ha, thực tế tưới được 1.850ha, bằng 74% năng lực thiết kế.





ĐẬP
Các công trình đập được xây dựng ở Quảng Ngãi chủ yếu phục vụ cho việc tưới tiêu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Đập Đá Giăng
Được xây dựng năm 1977 tại xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, năng lực tưới theo thiết kế 420ha, năng lực tưới thực tế là 40ha.

Đập Xã Điệu
Được xây dựng từ năm 1977 trên suối Xã Điệu, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, có diện tích lưu vực 17km2, năng lực tưới theo thiết kế là 350ha, thực tế tưới được 75ha do cụm đầu mối xuống cấp và kênh nội đồng bị hư hỏng nhưng chưa được tu sửa.

Đập Cù Và
Được xây dựng từ năm 1980 trên sông Giang tại vị trí có diện tích lưu vực 84km2, có năng lực tưới theo thiết kế là 300ha cho các xã Tịnh Đông, Tịnh Giang và Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh), công trình đang hoạt động tốt.

Đập Xã Trạch
Được xây dựng vào năm 1980 trên suối Xã Trạch, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, năng lực tưới thiết kế là 150ha, nhưng thực tế chỉ tưới được 40ha do hệ thống kênh nội đồng chưa hoàn chỉnh.
Đập thuỷ lợi Thạch Nham
Đây là đập dâng thuộc loại lớn nhất trong cả nước, công trình này đã được người Pháp khảo sát từ thời Pháp thuộc. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1985 tại xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, tại vị trí có diện tích lưu vực 2.850km2 trên sông Trà Khúc.

 Công trình thủy lợi Thạch Nham
Công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của Nhà nước và đóng góp của nhân dân trong tỉnh bằng ngày công nghĩa vụ công ích. Năm 1992, công trình hoàn thành giai đoạn 1 và được đưa vào khai thác; đến năm 1997, công trình cơ bản hoàn thành. Hệ thống công trình gồm có: đập tràn đầu mối với chiều dài 200m, hai cửa cống lớn lấy nước qua hai hệ thống kênh chính Bắc và Nam có tổng chiều dài 87,6km; 566 tuyến kênh, gồm 28 tuyến kênh cấp I với tổng chiều dài 208,4km, 85 tuyến kênh cấp II và III (có Ft > 150ha) với tổng chiều dài 208,8km và 453 tuyến kênh nội đồng (có Ft < 150ha) với tổng chiều dài 453km. Ngoài ra, còn có 15 trạm bơm điện với tổng công suất từ 980- 1.200m3/h/1 máy, lấy nước từ các tuyến kênh cấp I, II để bơm tưới cho 4.500ha đất canh tác. Công trình thủy lợi Thạch Nham có tổng năng lực tưới theo thiết kế là 50.000ha đất canh tác, trong đó tưới cho cây lúa là 31.000ha và cho cây trồng cạn 19.000ha. Công trình tưới cho các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi và một phần huyện Đức Phổ. Đến cuối năm 2005, diện tích canh tác được tưới thực tế khoảng 32.500ha, trong đó tưới cho cây lúa là 25.000ha và cây trồng cạn 7.500ha.

Từ khi có nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi Thạch Nham, sản xuất nông nghiệp ở khu vực đồng bằng Quảng Ngãi đã có sự thay đổi rõ rệt, cuộc sống của người nông dân trở nên khá giả hơn rất nhiều. Có thể nói, công trình thủy lợi Thạch Nham đã đem lại cuộc sống ấm no cho người dân của vùng đồng bằng Quảng Ngãi.

Tuy vậy, ở một số vùng do địa hình cao, phức tạp, kênh bị bồi lấp nên nguồn nước Thạch Nham vẫn không tới được. Điển hình như các xã phía Đông của huyện Bình Sơn (gồm các xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Thuận, Bình Hoà, Bình Hải), gặp những năm nắng hạn, đồng ruộng phải bỏ hoang vì thiếu nước. Mặt khác, do nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến kênh nội đồng bị hạn hẹp, chủ yếu được làm bằng đất nên thường bị sạt, lở khi có lũ, lụt lớn.

Đập nước Lang và đập Làng
Đập nước Lang được xây dựng năm 1993 thuộc xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ và đập Làng ở xã Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành)xây dựng năm 1977. Hai đập này lần lượt có diện tích tưới thiết kế là 110ha và 80ha, song thực tế chỉ tưới được 50ha và 45ha do khi khảo sát và thiết kế ban đầu chưa đúng, đưa diện tích khu tưới lớn so với thực tế. Mặt khác, đập Làng có diện tích lưu vực quá nhỏ, chỉ khoảng 4km2 nên nguồn nước đến hạn chế.

Đập Suối Lớn
Được xây dựng trên nhánh suối Lớn thuộc xã Long Hiệp, huyện Minh Long, hệ thống được đưa vào sử dụng năm 1979. Đập có diện tích lưu vực trên 30km2, với diện tích tưới thiết kế 160ha, chiều dài kênh chính 5km. Hiện tại kênh mương đã hư hỏng nhiều nên đập chỉ tưới được 50ha, ngoài ra, một số đoạn kênh nội đồng chưa hoàn chỉnh. Cần sửa chữa, nâng cấp kiên cố hoá kênh mương thì công trình mới đảm bảo diện tích tưới theo thiết kế.

Đập Đồng Thét
Được xây dựng vào năm 1962 trên sông Phước Giang, thuộc xã Hành Nhân (huyện Nghĩa Hành), được sửa chữa lại vào năm 1975. Hiện nay, công trình đầu mối và hệ thống kênh mương đã xuống cấp nặng. Diện tích tưới thiết kế của công trình là 250ha, thực tế chỉ mới tưới được 80ha. Nguồn nước đến đập đầy đủ nhưng cần phải sửa chữa, nâng cấp lại công trình đầu mối và hệ thống kênh để công trình đảm bảo diện tích tưới thiết kế.

Đập dâng Đá Giăng
Xây dựng từ năm 1980 trên sống Trà Câu, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ tại vị trí có diện tích lưu vực 74,5km2, có năng lực tưới theo thiết kế 700ha, nhưng thực tế chỉ tưới được 400ha do công trình bị xuống cấp và nguồn nước thiếu. Hiện nay, công trình này được bổng sung nước từ hồ chứa Núi Ngang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More